Sunday, 3 May 2015

VỮA XƠ ĐỘNG MẠCH – MỘT HÌNH THÁI CỦA XƠ CỨNG ĐỘNG MẠCH

Xơ cứng động mạch: Thuật ngữ chung chỉ sự dày lên và cứng lại của thành động mạch. Bao gồm các kiểu sau:
1.      Xơ cứng động mạch vôi hóa cục bộ: Vôi hóa ở trung mạc, được gọi là xơ cứng Monckeberg, phổ biến ở chi dưới, thường gặp ở người > 50 tuổi làm các động mạch như 1 ống cứng.
2.      Xơ cứng tiểu động mạch: Thường gặp ở các tiểu động mạch thận gây tăng huyết áp kèm theo.
3.      Một kiểu xơ cứng động mạch khác đó là xơ vữa động mạch, bệnh của các mạch máu lớn, là cơ sở của đa số các bệnh lý mạch vành, động mạch chủ, mạch chi dưới và mạch não.
XƠ VỮA ĐỘNG MẠCH
1. Các giai đoạn phát triển mảng xơ vữa:
·         Tổn thương sớm: Tổn thương ban đầu và vệt mỡ
Có lắng đọng lipid ở trong đại thực bào nội mạc (tế bào bọt đại thực bào) còn vệt mỡ nhìn thấy được bằng mắt thường trên bề mặt nội mô động mạch chủ và mạch vành, tích tụ đầy lipid và mô xơ. Sau đó các tổn thương này phát triển lipid ngoài tế bào và các mảnh vụn trong chất gian bào proteoglycan để tạo ra các vũng tích lipid nằm giữa các lớp của tế bào cơ trơn nội mạc. Giai đoạn này chưa thấy các tinh thể cholesterol và được coi là trung gian hoặc tiền xơ vữa động mạch, trên đường để phát triển lõi lipid đặc trưng cho mảng vữa động mạch hoặc xơ.
·         Mảng xơ: Là vùng dày lên của nội mạc, sờ được và đặc trưng nhất của vữa xơ động mạch nặng. Các tổn thương này xuất hiện đầu tiên ở động mạch chủ bụng -> động mạch vành -> động mạch não. Mảng xơ điển hình có lõi trung tâm lipid ngoài tế bào, các mảnh vụn tế bào hoại tử và được 1 lớp các tế bào bao phủ nên dày hơn nội mạc nhiều.

·         Tổn thương phức tạp: Là mảng xơ vôi hóa có hoại tử, huyết khối và loét ở các mức độ khác nhau. Khi hoại tử tăng thành động mạch yếu dần và có thể bị gãy gây nên phồng động mạch và xuất huyết.

2. Các thuyết sinh bệnh học vữa xơ động mạch:
·         Thuyết về phản ứng đối với chấn thương: (thuyết được chấp nhận rộng rãi)
 Các tế bào nội mạc bị chấn thương, gồm có chấn thương chuyển hóa như tăng cholesterol máu mạn, tăng huyết áp, chấn thương miễn dịch sau ghép tim, ghép thận….
Điều này gây nên 1 chuỗi các sự kiện gồm có bám dính bạch cầu đơn nhân, tiểu cầu vào nội mạc để trở thành đại thực bào, kết tập tiểu cầu tạo vi huyết khối và giải phóng các sản phẩm bài tiết như các yếu tố tăng trưởng và cytokin.
Cùng với các thành  phần huyết tương gồm có lipoprotein và các hormon như insulin điều này có thể kích thích sự tăng sinh các tế bào cơ trơn nội mạc ở các nơi bị chấn thương đó, sự tăng sinh làm lắng đọng chất gian bào tích lũy lipid, đặc biệt quá trình này được thúc đẩy khi có tăng mỡ máu
 Các vùng mà tổn thương các tế bào nội mô gia tăng như điểm phân nhánh của mạch sẽ có nguy cơ cao nhất. Vì các tổn thương tiến triển và nội mạc trở nên dày hơn, dòng máu chảy trên các nơi đó sẽ bị biến đổi và có khả năng gây ra cho các tế bào nội mô nguy cơ chấn thương lớn hơn, dẫn đến chu trình các sự kiện tới đỉnh không thể lay chuyển được để trở thành tổn thương phức tạp.



Tóm tắt lại: Sau khi tế bào nội mạc bị tổn thương, bắt đầu quá trình xâm nhập và tích tụ của lipid và bạch cầu đơn nhân – đại thực bào qua 5 giai đoạn:
1.      Phần lớn lipid trong các mảng xơ vữa có nguồn gốc từ LDL trong huyết tương xâm nhậm vào thành mạch qua lớp nội mạc bị tổn thương, rối loạn chức năng.
2.      Bắt đầu quá trình oxy hóa LDL
3.      LDL bị oxy hóa nhẹ kích hoạt sự biểu thị các glycoprotein bám dính trên bề mặt tế bào nội mạc, qua đó thu hút bạch cầu đơn nhân, bạch cầu đơn nhận đi vào thành mạch thành đại thực bào, chúng hấp thu LDL rồi trở thành tế bào bọt (foam cell)
4.      HDL ức chế sự oxy hóa LDL và chống lại sự tích tụ lipid quá mức bên trong thành mạch và góp phần vận chuyển cholesterol ngược tức là vận chuyển LDL ngược ra khỏi thành mạch và ra khỏi các tế bào bọt.
5.      Các tế bào bọt sau khi bão hòa lipid sẽ phóng thích 1 lượng lớn cholesterol gây thêm thương tổn cho nội mạc và làm tiến triển sang thương XVĐM.

Nguồn: Các nguyên lý y học nội khoa Harrison
Bệnh học tim mạch Phạm Nguyễn Vinh
Giáo trình bệnh học nội khoa Y Dược Huế
Lê Văn Tuyến tổng hợp và biên soạn

1 comment:

  1. Triệu chứng huyết áp cao có thể có rất nhiều. Nếu bạn mắc phải một trong số chúng thì hãy đi kiểm tra ngay nhé

    ReplyDelete

Sốt dengue, giảm tiểu cầu ở bệnh nhân sau can thiệp mạch vành

Trích dẫn từ tạp chí Asia Intervention Ở tất cả bệnh nhân sốt dengue, thuốc chống ngưng tập tiểu cầu nên tránh dùng vì nguy cơ khởi...